Chia Sẻ Kinh Nghiệm: 3 Sai Lầm Lãnh Đạo Trong Chuyển Đổi Số (Phần 1)
Chào mọi người! 👋 Hôm nay, Thịnh muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm thực tế của mình về chuyện chuyển đổi số mà nhiều anh em lãnh đạo chúng ta hay mắc phải. Thật ra, đây không phải là bài giảng gì cao siêu mà là những đánh giá thực tế trong quá trình chia sẻ trao đổi kinh nghiệm giữa Thịnh với một số đồng chí là Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong Khối nhà nước.
Hi vọng rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích được cho các anh chị làm hành trang trong quá trình chuyển đổi số sắp tới, giai đoạn đất nước vươn mình trong kỷ nguyên sáp nhập để phát triển.

1. Cứ Nghĩ Chuyển Đổi Số Là "Số Hóa Giấy Tờ"
Cái này chắc nhiều anh chị em gặp phải! Hồi đầu, mình cũng nghĩ đơn giản lắm: chuyển đổi số là mình bỏ hết giấy tờ đi, cái gì cũng làm trên máy tính, xài email, rồi phần mềm quản lý này kia là ngon. Kiểu như, từ "văn phòng giấy" thành "văn phòng máy" là xong!
Nhưng mà không phải đâu nha! Đó chỉ là cái vỏ bề ngoài thôi. Chuyển đổi số thực sự nó sâu hơn nhiều. Nó là mình phải thay đổi toàn bộ cách mình làm việc, thói quen tương tác trong nội bộ, tương tác với người dân… quan trọng nhất là cách mình tạo ra giá trị mới cho công việc.
Ví dụ: ngày xưa mình đi làm, mình xin nghỉ phép bằng cách soạn đơn xin nghỉ phép, rồi có lãnh đạo ký duyệt là mình nghỉ. Còn bây giờ mình chuyển đổi số không phải là viết đơn xin nghỉ phép, mà là lên phần mềm điền thông tin ngày nghỉ, hệ thống tự động chuyển cho lãnh đạo, lãnh đạo duyệt hay ko duyệt thì mình đều nhận được thông báo. Nếu được duyệt thì hệ thống tự động cập nhật ngày phép, tự động tính lương, kiểm tra coi phép này là có trừ lương hay không trừ, thuộc chế độ nào, 1 năm mình nghỉ quá số ngày phép chưa, còn bao nhiêu ngày phép…. Có như vậy thì mới gọi là Chuyển đổi số, nó thực sự hữu ích, giúp nâng cao được hiệu quả, cũng như bản thân mình hoặc lãnh đạo duyệt cũng biết rõ ràng thông tin, lịch sử nghỉ phép của mình để có căn cứ đưa ra quyết định.
2. Tư Duy "Cứ Bỏ Tiền Là Sẽ Chuyển Đổi Được"
Cái này cũng là một "bẫy" lớn mà mình từng thấy nhiều nơi mắc phải, thậm chí mình cũng từng có suy nghĩ như vậy. Cứ nghĩ là: "À, muốn chuyển đổi số thì cứ đầu tư thật nhiều tiền vào công nghệ, mua phần mềm đắt tiền, thuê chuyên gia xịn là tự khắc nó thành công!"
Nhưng mà sai lầm "chết người" luôn đó mọi người! Chuyển đổi số không phải mình đi mua một món hàng rồi mang về dùng là xong. Nó là cả một hành trình dài hơi, phức tạp đòi hỏi sự đồng hành của lãnh đạo và cán bộ trong cơ quan. Nếu mình chỉ đổ tiền vào công nghệ mà không có một chiến lược rõ ràng, không thay đổi được cái "văn hóa" và tư duy của cả đơn vị, thì số tiền đó coi như “vứt đi”.
Thành công của nó không chỉ do tiền mà nó cần mình phải thật sự quyết tâm, đội ngũ tập thể từ trên xuống dưới phải linh hoạt, thích nghi nhanh, quy trình làm việc phải hiệu quả, và quan trọng nhất là mình phải sẵn sàng học hỏi, đổi mới liên tục.
Người lãnh đạo là người đầu tàu lôi kéo mọi người cùng Chuyển đổi số, mình phải làm việc tư tưởng trước, chuyển đổi số là máy móc hóa hết các khâu để cho số liệu rõ ràng, rạch ròi, để có căn cứ đánh giá xét khen thưởng, thăng chức đúng cho mọi người. Thường thì cán bộ ai cũng sợ chuyển đổi số vì phải gấp đôi công việc vừa làm thủ công và phải làm trên máy, nên Lãnh đạo cần hiểu tâm lý của anh/em, khuyên anh/em chịu khó cực khổ 1 giai đoạn để chuyển đổi hết qua công nghệ, rồi sẽ rảnh, sẽ có thời gian để nâng cấp bản thân, thay vì cứ lay hoay cúi mặt với một mớ giấy tờ, và công việc mà ko tìm được lối ra cho bản thân mình.
3. Kỳ Vọng "Giảm Ngay Nhân Sự Hiện Có"
Cái này thì mình thấy nhiều anh em lãnh đạo hay nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến chuyển đổi số: "À, ứng dụng công nghệ vô thì mình sẽ cắt giảm được nhân sự ngay, giảm được chi phí cho đơn vị".
Đúng là công nghệ có thể tự động hóa một số việc, nhưng không có nghĩa là mình sẽ sa thải người ồ ạt đâu. Thực tế, chuyển đổi số lại tạo ra nhu cầu về những kỹ năng và vị trí mới. Mình sẽ cần người hiểu về dữ liệu, về AI, về các hệ thống mới... Thậm chí, mình phải đầu tư ngược lại vào việc đào tạo, "nâng cấp" chuyên viên hiện có của mình lên.
Mục tiêu chính của chuyển đổi số không phải là cắt giảm người một cách mù quáng. Mà là làm sao để tối ưu hóa hiệu suất làm việc, và giúp đơn vị mình hiệu suất làm việc tốt hơn. Công nghệ nó giúp cán bộ chuyên viên mình tập trung vào những việc khó hơn, cần sự sáng tạo hơn. Thay vì cắt giảm, mình nên nghĩ cách chuyển đổi vai trò, đào tạo lại, và tạo ra một môi trường mà công nghệ "phục vụ" con người, chứ không phải "thay thế" hoàn toàn con người. Giảm người nhanh quá đôi khi lại làm mất đi những người có kinh nghiệm, ảnh hưởng tới cả văn hóa công ty nữa.
Đó là 3 cái sai lầm mà tôi thấy rất phổ biến. Nói chung, để chuyển đổi số thành công thì chúng ta, những người làm lãnh đạo, phải thay đổi cái tư duy của mình từ gốc rễ. Đừng coi nó chỉ là chuyện công nghệ hay chuyện tiền bạc, mà nó là cả một quá trình chuyển đổi văn hóa và con người trong đơn vị mình.
Mọi người thấy sao về những chia sẻ này của tôi? Có đồng ý không, hay có thêm sai lầm nào muốn "vạch trần" nữa không? Cứ comment trao đổi nha!
<Tác giả - ThS. Huỳnh Quang Thịnh - Giám đốc MyPortal.vn>